Kết cấu hạ tầng – “mạch máu” tăng trưởng

Thứ năm - 15/07/2021 11:08 183 0
Việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó chủ yếu là hệ thống giao thông, nhằm nâng cao khả năng khai thác, lưu thông, vận chuyển, giao lưu hàng hóa..., giữa các vùng, miền trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển - là “Mạch máu” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đi lại thuận lợi cho nhân dân.
Kết cấu hạ tầng – “mạch máu” tăng trưởng

Trong quá trình phát triển, tỉnh ta luôn quan tâm huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó các công trình giao thông – vận tải. Với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhiều công trình giao thông đường bộ, hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa, được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp.

Hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn.

Hiện hầu hết các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn tỉnh, từ miền núi đến đồng bằng, đô thị đã được đầu tư xây dựng kiên cố bằng nhựa, bê tông xi măng và 100% trung tâm xã đã có đường ô tô đến. Các công trình giao thông được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa tiếp cận nhanh với thị trường, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch của tỉnh. Đồng thời, với cơ chế, chính sách của tỉnh, các địa phương đã huy động các nguồn vốn, vật tư, nhất là đóng góp của nhân dân, theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, để xây dựng kiên cố hệ thống đường giao thông nông thôn, nhằm tăng khả năng kết nối các địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2011 đến hết tháng 3 – 2019, tổng vốn đầu tư lĩnh vực giao thông – vận tải khoảng 117.586 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình giao thông có nguồn vốn đầu tư lớn, kết nối vùng, miền, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Điển hình, như: Dự án đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, chiều dài 65,9 km, qua địa bàn các huyện; Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia, tổng vốn đầu tư 4.334 tỷ đồng, triển khai thi công năm 2015, hoàn thành năm 2018; đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, chiều dài 14 km, triển khai thi công năm 2014, hoàn thành năm 2017, tổng vốn đầu tư hơn 1.789 tỷ đồng; đường Hồi Xuân – Tén Tằn, chiều dài 111 km, qua địa bàn 2 huyện Quan Hóa, Mường Lát, tổng vốn đầu tư hơn 1.371 tỷ đồng, triển khai thi công năm 2009, hoàn thành năm 2018; đường Na Tao – bản Chai, xã Pù Nhi (Mường Lát), chiều dài 52 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.211 tỷ đồng, triển khai thi công năm 2011, hoàn thành năm 2017... Cảng Hàng không Thọ Xuân liên tục tăng trưởng cao, với các đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Ma Thuột, Thanh Hóa - Khánh Hòa, đường bay quốc tế charter Thanh Hóa – Băng Cốc (Thái Lan). Từ đầu năm 2019 đến nay, cảng đã phục vụ hơn 277.000 lượt khách, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Hiện nay, có 4 hãng hàng không khai thác các đường bay đến Thanh Hóa, gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airline và Bamboo Airways. Với dân số hơn 3,5 triệu người, có nhiều người hiện đang sinh sống và lao động trên cả nước, nhất là khu vực phía Nam; việc mở tuyến bay hàng không dân dụng tại Sân bay Thọ Xuân đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển; thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, các nhà đầu tư và khách du lịch đến tỉnh Thanh Hóa. Cảng biển Nghi Sơn được đầu tư bến số 1 năm 2001 cho tàu 10.000 DWT và đầu tư bến số 2 năm 2004 cho tàu 30.000 DWT; tổng mức đầu tư 2 bến cảng khoảng 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ngoài ra, để kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến cảng theo quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng công cộng, gồm: Nạo vét 4,6km luồng tàu, xây dựng đê chắn sóng, đê chắn cát... Đến nay, toàn bộ khu Cảng Nghi Sơn gồm 8 bến tổng hợp, 1 bến chuyên dụng của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn; khu bến của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, khu bến của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; đồng thời, đã có 20 bến cảng tổng hợp và 10 bến container được chấp thuận đầu tư.

Cầu vượt nút giao đường tránh phía Tây TP Thanh Hóa.

Cơ sở hạ tầng phát triển, Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến hết tháng 3-2019 khoảng 678.630 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương đầu tư 103.190 tỷ đồng; còn lại là vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Các dự án có vốn đầu tư lớn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm); Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,79 tỷ USD, công suất 1.200 MW); dây chuyền 2 và dây chuyền 3 Nhà máy Xi măng Long Sơn (7.382 tỷ đồng); khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao an toàn tại khu vực phía Bắc Việt Nam (50 triệu USD); chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp (3.800 tỷ đồng); trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao (1.600 tỷ đồng); dự án số 1, khu đô thị mới Trung tâm TP Thanh Hóa (11.623 tỷ đồng); khu đô thị mới phường Điện Biên, TP Thanh Hóa (1.729 tỷ đồng); khu du lịch cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng); khu resort Sao Mai Thanh Hóa (1.400 tỷ đồng); quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn (1.473 tỷ đồng); Thành phố Giáo dục Quốc tế Thanh Hóa tại TP Thanh Hóa (2.500 tỷ đồng); khu dịch vụ y tế chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (793 tỷ đồng)...; Bệnh viện Quốc tế Sao Mai (700 tỷ đồng).

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây